Dịch Vụ Y Tế Bình Minh

Dịch Vụ Y Tế Bình Minh

Các dịch vụ y tế bệnh viện đang làm

Các dịch vụ y tế bệnh viện đang làm

Giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30%?

Dự kiến từ tháng 7-2024 sẽ phải tính đủ chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, chi phí quản lý (bao gồm duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chất lượng...) sẽ được tính thêm trong cấu phần giá dịch vụ y tế.

Bộ Y tế đánh giá việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ. Để có thể tính đúng tính đủ cấu phần chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế thông tin định mức này được hoàn thiện trong quý 3-2023 để trình các cấp xem xét, dự kiến được áp dụng từ năm 2024 khi Luật Khám chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, tiến độ này đã bị lùi lại.

Gần đây nhất, Bộ Y tế thông tin đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ, trong tháng 3 sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Việt, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ rất mong chờ hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật theo hướng tính đúng tính đủ mà Bộ Y tế đang xây dựng. Theo ông Việt, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với các bệnh viện để xây dựng giá theo danh mục kỹ thuật và bệnh viện cũng đã tham gia.

Việc ban hành được giá theo hướng tính đúng tính đủ là hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể áp theo quy định nhằm tính giá viện phí, đặc biệt là giá dịch vụ và khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo ông Việt, nếu tính đủ yếu tố kết cấu giá dịch vụ y tế (4 cấu phần), các dịch vụ sẽ tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, việc tính đúng tính đủ giá không hề dễ dàng. Vì vậy, bệnh viện cũng đang chờ đợi và hy vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng giá cho các danh mục y tế này.

"Việc tính đủ cấu phần sẽ tính thêm chi phí quản lý, khấu hao tài sản, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin. Chi phí về con người thì dựa vào mức lương Chính phủ quy định, không khó để xây dựng.

Tuy nhiên, bảo dưỡng và khấu hao máy móc sẽ phải tính toán rất kỹ. Với những máy móc có giá trị lớn, chi phí khấu hao và bảo dưỡng sẽ cao hơn... Bởi vậy sẽ có sự chênh lệch lớn về các danh mục sau khi xây dựng tính đúng tính đủ", ông Việt cho hay.

Tất cả điều này cuối cùng người bệnh đều được hưởng lợi. Một điều hết sức lưu ý là chính sách xã hội phải đi song song bảo đảm nguồn chi trả của người dân bằng việc hỗ trợ bảo hiểm chi trả, đặc biệt cho người bệnh có thu nhập thấp, khi áp dụng theo mức giá tính đúng tính đủ.

Ông Phan Văn Báu (giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Huy (khoa khám bệnh Viện Tim TP.HCM) đọc kết quả cho bệnh nhân chiều 18-3 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trao đổi tại cuộc gặp mặt thường niên của CLB Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc cuối tuần rồi, bà Đoàn Thị Kim Dung - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - chia sẻ cách tính giá viện phí "tính đúng tính đủ" theo Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-7-2024.

Cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và Luật Giá hiện hành. Bốn nhóm chi phí sử dụng để tính giá gồm nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ); chi phí trực tiếp sử dụng cho khám chữa bệnh (máu, thuốc, dịch truyền, vật tư y tế); khấu hao thiết bị và chi phí quản lý.

Theo đó, bà Dung cho biết chi phí quản lý là yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế mới nhất sẽ được đưa thêm vào viện phí đợt này, theo hướng tiến đến tính đúng tính đủ giá dịch vụ. Với việc thêm chi phí quản lý, viện phí mới sẽ tính trên cơ sở 3/4 cấu phần tạo nên giá dịch vụ, chỉ còn chi phí khấu hao tài sản cố định sẽ được đưa vào sau này.

Trong chi phí quản lý có cả phần chi cho công nghệ thông tin trước đây chưa được tính. Tuy nhiên, việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ với 3/4 cấu phần kể trên. Trong tháng 3-2024, bộ sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết theo cách tính giá dịch vụ mới 3/4 cấu phần thì giá mới sẽ tăng hơn hiện hành khoảng 5%.

Khoảng tháng 7 sẽ trình dự thảo giá mới để áp dụng vào khoảng cuối năm 2024. Với mức giá mới, chuyên gia này nhận định quỹ bảo hiểm y tế đủ khả năng cân đối, nhưng việc đưa thêm yếu tố thứ tư là chi phí khấu hao tài sản cố định vào viện phí thì vẫn phải cần lộ trình vì quỹ với mức thu 4,5% lương cơ bản chưa thể bù đắp được.

"Đã có trên 93% người dân có bảo hiểm y tế, cách tính viện phí mới có điểm đáng chú ý là phần chi bảo hiểm y tế trả cho bệnh viện sẽ đúng và đủ hơn, bệnh viện sẽ tăng được nguồn thu để trả lương cho y bác sĩ và nâng chất lượng dịch vụ. Phần người bệnh phải cùng chi trả (5-20% phí dịch vụ) cũng sẽ tăng theo, nhưng sẽ ở mức 5% của 5-20% này", vị này cho biết.

Thực tế hiện nay chi phí khám chữa bệnh mới chỉ tính đúng chứ chưa tính đủ. Việc xây dựng lại danh mục giá mới cho 10.000 dịch vụ y tế của Bộ Y tế là điều mong chờ, tuy nhiên cần lưu ý các cấu phần tạo ra giá này vẫn chưa mang tính chất đầy đủ.

Ông Phạm Thanh Việt (phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy)

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chưa tính đúng tính đủ các chi phí

Từ 1-7-2023, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện theo lương cơ sở (lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng).

Theo thông tư 22 của Bộ Y tế có hiệu lực từ tháng 11-2023 quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), có hơn 1.900 danh mục giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn được điều chỉnh giá tăng khoảng 9% so với mức ban hành năm 2019. Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó do chuyên gia thực hiện giữ nguyên mức 200.000 đồng/ca.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng khoảng 10 - 14%, dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm hầu hết tăng nhẹ khoảng 1 - 4% so với mức giá trước đó, có dịch vụ tăng giá đến 10% (như siêu âm).

Các bệnh viện đánh giá việc tăng giá khám chữa bệnh BHYT chỉ đáp ứng việc trả lương cho cán bộ công chức khi lương cơ bản tăng. Qua nhiều năm viện phí chưa được tính đúng tính đủ như nhu cầu các bệnh viện.

Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, viện phí do BHYT chi trả mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ (chưa có chi phí quản lý, khấu hao tài sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin...).

Trong khi đó, tiền thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi của các bệnh viện.

Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội chia sẻ với mức tính viện phí như hiện nay, các bệnh viện khó để phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân sự chất lượng cao. "Dù kế hoạch là năm 2018 đã phải tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, thế nhưng đến nay năm 2024 bệnh viện vẫn đang chờ đợi", vị này nói.

Theo Bộ Y tế, khi viện phí được tính đúng tính đủ, bệnh viện sẽ có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Người bệnh cũng sẽ được BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay. Viện phí tính đúng tính đủ sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.

Một số lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay tác động tích cực của việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế đã được nói rất nhiều. Các bệnh viện có thêm nguồn lực, chi phí để nâng cao dịch vụ chăm sóc khám chữa bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định nếu viện phí được tính đúng tính đủ chắc chắn sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ do bệnh viện có nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và đãi ngộ y bác sĩ. Đương nhiên do khả năng cân đối của quỹ và chi trả của người dân, việc điều chỉnh này sẽ có lộ trình.

"Đầu tư cho công nghệ thông tin tốt hơn sẽ quản lý khám chữa bệnh tốt hơn, thuận lợi cho người bệnh, liên thông giữa các cơ sở y tế sẽ liên thông được kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, tiết kiệm được chi phí. Dữ liệu bệnh viện tốt hơn cũng có thể kết nối được với cơ sở y tế ở nước ngoài để nâng chất lượng điều trị" - ông Cơ chia sẻ.

Cũng theo ông Cơ, bệnh viện các nước đang đầu tư cho công nghệ thông tin 1 - 3% nguồn thu, trong khi trước đây viện phí tại VN không có phần này. Trong cơ cấu viện phí sắp tới sẽ có phần đầu tư cho công nghệ thông tin của các bệnh viện.

Tuy nhiên, một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội bày tỏ băn khoăn với những khu vực thành phố được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn nếu tính đủ chi phí thì viện phí sẽ rất cao. Vì vậy, theo vị này, cần tính toán kỹ và có những quy định cụ thể và khung giá cho các vùng miền.

"Tuy nhiên, vẫn phải chờ chi tiết hướng dẫn quy định, cách xây dựng giá mới có căn cứ để thực hiện và từng bước khắc phục nếu gặp vướng mắc", vị này cho hay.